Xin chào Quý khách. Hệ thống không nhận diện được thuê bao. Vui lòng truy cập bằng 3G hoặc Đăng nhập tại đây

Khuyến cáo: đã tới đỉnh dịch của sốt xuất huyết

3018
Một số địa phương trong khu vực ĐBSCL, khu vực Tây Nguyên và miền Trung đang vào cao điểm của mùa mưa nên tạo điều kiện cho bọ gậy, muỗi sinh sôi, phát triển.

Có thể bạn quan tâm: 

Đây chính là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp dù cho ngành y tế đã cảnh báo từ rất sớm.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đến nửa cuối tháng 9/2019, đã có hơn 1.100 ca trẻ em nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận đến 320 ca nhập viện do mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Nơi đây được xem là một trong những bệnh viện tuyến cuối của khu vực ĐBSCL nên số trẻ nhập viện đa phần đều mắc bệnh khá nặng, phải nằm điều trị từ 3-5 ngày, cá biệt một số trường hợp phải điều trị từ 10-14 ngày.

khuyen-cao-da-toi-dinh-dich-cua-sot-xuat-huyet-1
Các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi An Giang thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

BSCKII. Bùi Hùng Việt - Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết: Số bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất hiện nằm điều trị tại bệnh viện tăng đột biến là do thời tiết có những biến chuyển thất thường. Trẻ em từ 3-6 tuổi, sức đề kháng yếu đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Lượng bệnh nhi nhập viện khoảng 50 - 60% đến từ các quận, huyện ở TP. Cần Thơ, số còn lại là ở rải rác một số tỉnh thành khác ở khu vực ĐBSCL như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu...

Tại khu vực Tây Nguyên, bệnh sốt xuất huyết đang tiếp tục bùng phát mạnh ở tỉnh Kon Tum và đã có một trường hợp tử vong. Như vậy, đây là địa phương thứ ba, sau Gia Lai và Đăk Lăk có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue.

Theo đó, trường hợp tử vong được xác định là Nguyễn Nhật H. (12 tuổi, trú tại thành phố Kon Tum). Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum xác nhận, bệnh nhân có dấu hiệu sốt, mệt mỏi vào ngày 19/9/2019.

Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám lần lượt tại phòng khám tư nhân, Bệnh viện Quân y 24, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Đến ngày 27/9/2019 bệnh nhân tử vong, chẩn đoán do sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 7 có sốc/tổn thương gan.

Như vậy, tính đến hết ngày 7/10, toàn tỉnh Kon Tum có 442 ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra ở 10/10 huyện, thành phố với tổng số hơn 1200 ca mắc sốt xuất huyết. Thành phố Kon Tum có số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 647 ca, trong đó có 1 ca tử vong.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ghi nhận trong tháng 9 là 8.128 ca, tương đương số ca trong tháng 8. Trong 9 tháng đầu năm đã có 9 trường hợp tử vong do SXH (2 trẻ em và 7 người lớn). Hầu hết các trường hợp này đều đến bệnh viện trễ, sau một thời gian tự mua thuốc điều trị tại nhà, hoặc kèm theo các bệnh lý béo phì, bệnh mạn tính.

Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, công tác phòng chống sốt xuất huyết của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, bởi hiện nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng lên do thời tiết mưa nắng thất thường, rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh, ngành y tế Kon Tum phối hợp với chính quyền các địa phương đã tổ chức trên 6.200 lượt dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy; đa dạng các hình thức truyền thông đến từng hộ gia đình...

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết; ở các hộ gia đình vẫn còn nhiều ổ bọ gậy; người dân chưa tự giác trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết lây lan, Trung tâm kiểm soát bệnh tật khuyến cáo cần có sự tham gia cùng hành động của mọi gia đình, mọi ban ngành đoàn thể, tự giác loại bỏ các ổ lăng quăng trong nhà, nơi làm việc. Khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cao đột ngột, có thể kèm theo nhức đầu, đau sau hốc mắt hoặc có dấu hiệu xuất huyết,... nên đi khám tại các bệnh viện, phòng khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.

 

Điều đáng ngại là cùng với diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết; TP.HCM cũng đang phải đối mặt với bệnh tay chân miệng, trong 9 tháng đầu năm toàn thành phố ghi nhận 14.990 ca mắc tay chân miệng, trong đó 16% số ca bệnh phải nhập viện điều trị, không có trường hợp nào tử vong. Số ca mắc tay chân miệng liên tục tăng từ tháng 7 đến nay, chỉ riêng trong tháng 9 đã có 6.573 ca mắc (tăng gấp 2 lần so với tháng 8).

 

Vân Vũ

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống

Tin liên quan

DANH MỤC