Không nhận diện được thuê bao. Vui lòng truy cập bằng 3G/4G Viettel để trải nghiệm Cổng thông tin giải trí đa phương tiện NVGate và thực hiện đăng ký theo hướng dẫn.

CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE NVGATE

Tin tức

Phong benh sot xuat huyet de va kho?

Phòng bệnh sốt xuất huyết dễ và khó?

14/08/2019 0

Để phòng bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền, khẩu hiệu hành động của y tế dự phòng phát động là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.

 

Để phòng bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền, khẩu hiệu hành động của y tế dự phòng phát động là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Tuy khẩu hiệu đề ra như vậy nhưng thực tế hành động không phải dễ dàng vì muốn không có bọ gậy muỗi thì phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh sản một cách có hiệu quả.

 

phong-benh-sot-xuat-huyet-de-va-kho-1
Lu nước phải được cọ rửa sạch mặt trong, thay nước hàng tuần để không có bọ gậy.

 

Triển khai giải pháp lâu dài và kinh tế

 

Bệnh sốt xuất huyết được các nhà khoa học xác định do muỗi vằn Aedes aegypti và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus truyền loại virut Dengue từ người này sang người khác để gây bệnh. Loại muỗi này có đặc điểm đẻ trứng trên những diện tích ẩm ướt ngay trên thành hoặc gần sát với mặt nước ở trong những dụng cụ chứa nước tạm thời hoặc những nơi có nước. Trứng muỗi chịu đựng được độ khô trong nhiều tháng và chỉ nở thành bọ gậy muỗi khi bị ngập nước. Ở những vùng có mùa đông với khí hậu lạnh, trứng muỗi có thể tồn tại, sống sót qua thời kỳ này. Trong điều kiện thuận lợi, trứng muỗi sẽ nở thành bọ gậy; sau đó bọ gậy phát triển thành lăng quăng và muỗi trưởng thành.

 

Theo các nhà khoa học, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là làm giảm mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh bằng cách diệt tận gốc bọ gậy hay ấu trùng muỗi từ khi chúng được hình thành nở ra từ trứng. Giải pháp lâu dài, kinh tế và hiệu quả là hạn chế những nơi muỗi đẻ trứng trên diện rộng bằng cách san lấp những chỗ muỗi đẻ trứng trong môi trường tự nhiên hay nhân tạo, đốt các loại rác rưởi hữu cơ, làm lưới che những dụng cụ đậy nước ăn, lắp đặt ống dẫn nước kín... Nếu những biện pháp trên không áp dụng được, cần diệt bọ gậy muỗi bằng các biện pháp cơ học hay hóa học với hóa chất an toàn và hữu hiệu. Chính vì vậy, khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” được phát động để giáo dục y tế cho cộng đồng người dân thực hiện một cách phổ biến trong thời gian lâu dài.

 

Những việc làm cụ thể

 

Để không có bọ gậy muỗi ở trong nhà là tránh không đổ quá nhiều nước vào các chậu cây, thay nước và cọ rửa lọ hoa hàng tuần để làm sạch trứng muỗi bám vào thành bình hoa trước khi đổ nước mới. Đồng thời có thể thả các hạt hóa chất temephos và fenthion vào bình hoa và các nơi sinh sản tạm thời khác của muỗi như chậu cây, đế đựng chậu cây, bẫy kiến đặt dưới tủ đựng thức ăn... Cũng có thể bỏ muối hoặc rải một lớp dầu nổi vào nước của các bẫy kiến. Trong các ngôi nhà trống, các bồn vệ sinh, bình xả nước bồn vệ sinh, bẫy kiến... cần được đậy kín lại hoặc bịt bằng vải để ngăn muỗi đẻ trứng; muốn có hiệu quả ngay thì có thể dùng hóa chất diệt ấu trùng để xử lý.

 

Diệt bọ gậy muỗi ở ngoài nhà, phải lấp đất, đá và cát rồi san phẳng các vũng nước nhỏ. Đối với các vũng nước mưa sâu hơn có thể lấp bằng rác sau đó phủ đất kín lên trên. Ở những nơi có nhiều vũng nước trong mùa mưa, có thể xử lý nhanh bằng cách phun hoặc rải hóa chất diệt bọ gậy muỗi thích hợp sẽ cho kết quả tốt hơn. Cần dọn sạch rác rưởi ở ngoài nhà để xử lý qua hệ thống rác thải của địa phương, cũng có thể dùng rác để lấp những chỗ trũng lớn đọng nước và phủ đất nén chặt lên trên để tránh ruồi và muỗi sinh sản. Lốp xe cũ cần đậy lại để ngăn nước mưa lọt vào hoặc khoan lỗ để nước không đọng lại bên trong, cũng có thể đổ đất vào trong lốp xe để trồng cây hoặc đổ hóa chất hay dầu vào nước đọng lại trong lốp xe cũ để diệt bọ gậy muỗi. Những vật dụng không dùng đến như xe cũ, tủ lạnh, máy giặt... cũng có thể trở thành các điểm sinh sản của muỗi; vì vậy không nên để ngoài trời cho nước mưa đọng lại. Thùng phi, can đựng nước cần có nắp đậy; các hố xây dựng phải được lấp đầy bằng cát hoặc xi măng. Máng nước nên được kiểm tra định kỳ, cần cọ rửa và nâng cao độ dốc để tránh nước đọng lại. Hốc cây, hố tường phải được lấp bằng cát hoặc xi măng; bẹ lá chuối có thể rải vào hóa chất diệt bọ gậy muỗi. Các ống tre làm hàng rào cần cắt sát tới đốt hoặc lấp cát để tránh đọng nước mưa.

 

Biện pháp để không có bọ gậy ở các điểm muỗi sinh sản cố định là lu nước nhỏ phải được thay nước hàng tuần và cọ rửa toàn bộ mặt trong để làm sạch trứng muỗi; lu nước lớn hơn cần được đậy lại bằng nắp cứng ngăn muỗi đẻ trứng nếu thành lu nhẵn và nắp đậy vừa khít. Thùng phi và các vật chứa nước khác nên được đậy lại bằng vải, dùng chất dẻo để làm khung lưới vải, nắp đậy có thể lấy được nước mưa. Bể nước nhỏ cần dùng nắp đậy có sàn lọc để ngăn muỗi và hứng được nước mưa; để đậy nắp bể thường xuyên nên đặt một vòi nước dưới đáy bể nhưng nhớ cọ rửa và thay sàn lọc thường xuyên; bể nước lớn hơn cũng phải lắp một màn lọc bằng thép không gỉ có khung xi măng, nước mưa chảy qua màn lọc vào bể và các chất bụi bẩn bị lọc lại và trôi đi do màn lọc có độ dốc.

 

BS. Nguyễn Võ Hinh

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống